Nét đẹp văn hóa trong đời sống âm nhạc của dân tộc Mường

Bao đời nay, cùng với âm thanh đặc sắc của cồng, chiêng thì các nhạc cụ khác như sáo ôi, cò ke, sáo trúc, trống, kèn, chuông… đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Mường. Thế nhưng có một thực tế là hiện nay, không còn nhiều người “mặn mà” với các loại nhạc cụ dân tộc.

Bài viết sẽ giới thiệu đến bạn đọc một loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Mường mà chúng đang ngày càng bị mai một và lãng quên đó chính là sáo ôi.

Không chỉ gắn bó với thuở ấu thơ, âm thanh của tiếng sáo, tiếng đàn còn theo sát từng thành viên của cộng đồng mỗi khi có sự kiện trọng đại, mỗi lúc vui, buồn. Từ lúc sơ khai cho đến ngày nay Sáo Ôi đã không ngừng phát triển, một loại nhạc cụ được làm bằng cây nứa, cấu tạo của nó chỉ với 4 lỗ bấm nhưng do sự khéo léo, tài tình của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc, nay Sáo Ôi đã không ngừng phát triển để theo kịp sự đi lên của nền âm nhạc nước nhà.

Ngày nay Sáo Ôi đã khẳng định được diện mạo của mình. Sáo Ôi đã không phụ lòng với các bậc tiền bối, các bậc nghệ nhân của người Mường cũng như công lao hết sức to lớn của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc. Sáo Ôi không những là một loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Mường, mà ngày nay Sáo Ôi đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Cây sáo ôi được người Mường gọi bằng từ ống ôi hay kháo ôi, họ luôn để cây sáo ôi ở những chỗ cao, phía bên trên như được treo ở trên tường nhà, hay trên một chỗ khác cao hơn như mái nhà của ngôi nhà sàn, nơi có thể đứng với tay lên để lấy được; hoặc ít ra người ta cũng để nó ở trên đầu chỗ mình nằm.

Để có được một cây sáo ôi tốt, hoàn chỉnh như ý muốn, cần sử dụng cây nứa mọc ở phía đằng Đông và phần ngọn của cây nứa cũng hướng thẳng về phía Đông. Cây nứa phải là một cây nứa “khèng” (cây nứa sành, nứa tép). Đường kính của thân cây nứa phải khoảng 1,5 cm, chiều dài của ống từ đốt này tới đốt kia phải đảm bảo độ dài từ 68 cm đến 70 cm. Còn phải là một cây nứa già, thân cây của nó không phải là màu xanh, mà thân của nó phải hơi ngã sang màu vàng; hoặc vàng óng càng tốt. Một việc hết sức quan trọng nữa là cây nứa đó không được cụt ở phần ngọn.

Sau khi đã chọn được một cây nứa đủ các tiêu chí như đã nói ở trên, người ta chặt cây đó và lấy hai đoạn ống thẳng nhất mang về phơi nắng cho thật khô. Sau khi thân cây đã được phơi khô người ta bắt đầu tiến hành các bước như sau:

  • Cắt sát đốt của đoạn ống dài (tính từ đốt này đến phần cắt sát đốt kia có chiều dài 68 cm đến 70 cm);

  • Cắt phần ống còn lại của đầu kia để dư lại 7 cm (tính từ đốt giữa ngược lại, tức là để lại đốt giữa, một bên là 70 cm và một bên là 7 cm);

  • Cắt hai đầu sao cho thật đều, bằng phẳng sau đó người ta dùng một thanh sắt cho vào lửa sao cho thanh sắt đó đỏ lên, rồi dùi lỗ sát vào đốt mỗi một bên ống một lỗ, sau đó dùi vào chính đốt nhưng không để thông hết đốt chỉ cần một chút (sâu 0,1 cm) để khi thổi hơi được truyền từ đầu ống bên này sang đầu ống phía bên kia.

Đo chiều dài của ống 70 cm chia đôi tức 35 cm dùi vào đấy một lỗ, sau đó chẻ một cái lạt mỏng mềm để đo vanh của thân cây sáo và lấy chiều dài của vanh cây sáo đó làm khoảng cách các lỗ với nhau. Kế, khoan thành 4 cái lỗ từ giữa ống trở xuống, lỗ ở chính giữa được khoan ở phía dưới ống (dùng ngón cái để bấm), còn 3 lỗ còn lại nằm ở phía trên ống, mỗi lỗ cách nhau chính là chiều dài đo vanh của thân cây, và 4 lỗ đó là 4 lỗ chính dùng để điều chỉnh âm thanh phát ra.

Toàn bộ cây sáo người ta phải dùi thành 7 lỗ 4 lỗ chính (dùng để điều chỉnh âm thanh), 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt và hai lỗ được khoan ở phía dưới cùng của cây sáo, lỗ đó dùng để treo trên tường nhà.

http://www.hoinhacsi.vn/sites/default/files/saooi2.jpg

Ngày nay người ta dùi thành 8 lỗ chính, 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt, một lỗ được khoan ở chính giữa phía mặt dưới (dùng ngón tay cái để bịt) 5 lỗ tiếp theo được khoan ở trên mặt và sau cùng là nốt được khoan ở bên cạnh của cây sáo, lỗ này dùng ngón út để bấm.

Khâu cuối cùng, ngày xưa người ta dùng lá chuối, ngày nay người ta dùng bằng băng dính để buộc bịt kín lại lỗ dùi phía đầu ngắn (phía đầu thổi) để cho hơi không thoát ra ngoài, mà thông thẳng sang ống bên kia (phía ống dài) từ đó nó phát ra âm thanh. Người ta dùng 4 ngón tay (ngày nay được dùng 7 ngón) để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của cây sáo, điều khiển theo ý mình muốn.

Sáo ôi được làm bằng cây nứa trong rừng có chiều dài từ 60 đến 70cm, các cụ xưa làm sáo chỉ có 4 lỗ với 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si. Thế nhưng, người sử dụng sáo không phải thổi ra âm thật của cây sáo mà là sử dụng bằng hệ thống bồi âm. Nếu như sáo trúc thổi ngang, âm thanh vang xa, mạnh mẽ thì trái lại, sáo ôi thổi dọc, âm thanh êm ái, nhẹ nhàng hơn nhiều.

Dân tộc Mường đã giữ gìn được bản sắc riêng của mình, đặc biệt là Cồng chiêng  và các loại sáo 6 lỗ [1] … Một dân tộc mà đánh mất bản sắc của dân tộc mình thì sớm hay muộn tất yếu cũng sẽ bị dân tộc khác đồng hóa, xâm chiếm hoặc cai trị. Việc giữ gìn bản sắc dân tộc còn có tầm quan trọng đối với việc nhận thức về sự tồn tại của chính cộng đồng đó trong lịch sử.

Thực trạng đã cho ta thấy, nhiều dân tộc từ chỗ đánh mất sinh hoạt trong đó có âm nhạc, điều đó sẽ mau chóng dẫn đến bị xóa tên trên bản đồ cộng đồng các dân tộc. Một dân tộc cắt đứt quan hệ với truyền thống thì sẽ không thể tạo ra cơ sở cho bước tiến vào tương lai. Hy vọng rằng Sáo Ôi sẽ được nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc không ngừng cải tiến để đưa Sáo Ôi phát triển mãi mãi và cũng hy vọng, Sáo Ôi không chỉ với dân tộc Mường biết đến mà nhiều dân tộc khác trên thế giới biết đến.

Sáo Ôi không những chỉ dừng lại ở chỗ dùng cho độc tấu, đệm cho hát dân ca Mường, mà Sáo Ôi còn là một cây solo chính trong dàn nhạc giao hưởng. Sáo Ôi xứng đáng có được một chỗ đứng và có một vị trí quan trọng trong các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *